image banner
BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ XÃ QUẢNG NHAM (10/8/1954-10/8/2024)

BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP

ĐẢNG BỘ XÃ ( 10/8/1954 - 10/8/2024)

Quảng Nham là vùng đất có bề dày lịch sử, từ xa xưa vùng đất này đã hình thành một cộng đồng dân cư sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt cá biển với tên gọi là Làng Mom. Từ thế kỷ V - VI trở về sau cư dân từ các vùng chuyển đến sinh sống ngày một đông đúc thành làng, chuyên làm nghề đánh cá biển, tên gọi là làng Cự Nham. Đến đầu thế kỷ XIX, Cự Nham là một xã thuộc tổng Thái Lai, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, xóa bỏ các đơn vị hành chính cấp phủ, tổng, thành lập đơn vị hành chính cấp xã. Bấy giờ thôn Cự Nham sáp nhập với thôn Hóa Quyền thành xã Ký Con. Tháng 4/1948, xã Ký Con sáp nhập với xã Hoa Lư và xã Lý Thường Kiệt thành một xã, gọi là xã Quảng Chính. Đến ngày 10/8/1954, xã Quảng Chính chia thành 5 xã: Quảng Nham, Quảng Thạch, Quảng Trung, Quảng Khê, Quảng Chính. Tên gọi xã Quảng Nham bắt đầu từ đây. Ngày đầu thành lập, xã Quảng Nham gồm 18 xóm. Từ năm 2007, đến nay xã Quảng Nham có 13 thôn.  Trong suốt chiều dài lịch sử dựng làng, lập xóm, chống chọi với thiên tai, địch họa, các thế hệ cư dân Quảng Nham đã hun đúc lên những truyền thống đáng tự hào như: Cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên trì bền bỉ chinh phục thiên tai, kiên cường anh dũng trong đấu tranh chống cường quyền áp bức, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, nhân dân trong xã đã đoàn kết cùng Mặt trận Việt Minh, chính quyền cách mạng đứng lên chống thực dân Pháp với ý chí sắt đá " Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ".

Từ năm 1947 -1954 dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quảng Xương, nhân dân Quảng Nham khẩn trương xây dựng và bảo vệ hậu phương, cung cấp sức người, sức của ra tiền tuyến. Cũng chính từ trong lao động và chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, ở Cự Nham đã có những quần chúng ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 3 năm 1947, sau khi chi bộ Đảng xã Hoa Lư (Quảng Chính) được thành lập, lấy tên là chi bộ Đồng Tâm, đã tăng cường công tác phát triển đảng viên mới. Đến cuối năm 1947, ở Cự Nham có 2 đồng chí được kết nạp vào Đảng đó là: Đ/c Trần Mạnh Cao và đồng chí Trần Mạnh Cống. Đây là lớp đảng viên đầu tiên của xã   Quảng Nham.

          Ngày 10/3/1948, tổ Đảng Cự Nẫm (Quảng Nham) thuộc chi bộ Đồng Tâm được thành lập, kết nạp các đồng chí Trần Mạnh Chưu, Hồ Liềng, Phạm Văn Bình do đồng chí Trần Mạnh Cống làm tổ trưởng. Cuối năm 1948, tổ đảng phát triển thêm 11 đảng viên, đưa số đảng viên trong tổ lên 14 đồng chí, do đồng chí Trần Mạnh Chưu làm tổ trưởng. Đến tháng 8 năm 1949 đồng chí Trần Mạnh Chưu được huyện ủy điều động vào ngành giáo dục của huyện, tổ đảng Cự Nẫm cử đồng chí Phạm Văn Bình làm tổ trưởng, đồng chí Trần Minh Vân phụ trách công tác tuyên huấn của tổ. Cuối năm 1949, Cự Nham có 19 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng và 3 đồng chí kết nạp ở trường PTTH Bàn Lâm, đưa tổng số đảng viên tổ đảng Cự Nẫm lên 48 đồng chí. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đồng Tâm, trực tiếp là tổ đảng Cự Nẫm, nhân dân Quảng Nham đã kiên cường bám biển, đánh bắt hải sản, ổn định đời sống nhân dân, tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Đồng thời xây dựng Quảng Nham thành làng chiến đấu ven biển. Là một xã nằm ở vị trí xung yếu, từ tháng 1 năm 1952 đến tháng 5 năm 1954, thực dân Pháp đã 3 lần đổ bộ vào bờ biển Quảng Nham. Nhưng cả 3 lần đều bị quân và dân Quảng Nham đánh bại. Cùng với khí thế thi đua sôi nổi của cả nước, lúc này ở Quảng Nham phong trào tòng quân vào các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các đoàn dân công lên đường phục vụ các chiến dịch diễn ra rầm rộ với tinh thần " Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng ". Tổ đảng đã cử đảng viên gương mẫu vào quân đội như các đồng chí Trần Minh Vân, Ngô Thanh Thới, Nguyễn Mạnh Ky…Trong số đó các đồng chí Hoàng Thanh Thới, Nguyễn Văn Tài đã hy sinh anh dũng cho độc lập tự do của dân tộc. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Quảng Nham đã có 5.600 lượt người đi dân công hỏa tuyến, trong đó có 90 người đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 54 thanh niên tham gia quân đội chiến đấu trên các chiến trường, trong số đó có 5 người con ưu tú của quê hương đã hy sinh anh dũng cho nền độc lập dân tộc, 7 người là thương binh. Với những thành tích đã đạt được trong chín năm kháng chiến, cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nham đã được Đảng, Chính phủ tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại, bằng khen, giấy khen cho tập thể và  cá nhân.

          Sau khi hòa bình lập lại, xã Quảng Nham được thành lập và ngày 10/8/1954, Huyện ủy Quảng Xương ra Quyết định thành lập chi bộ Đảng xã Quảng Nham, với 26 đảng viên. Tại Đại hội chi bộ lần thứ nhất đã bầu đồng chí Đặng Xuân Tưu làm Bí thư kiêm Chủ tịch UB hành chính xã và là Bí thư chi bộ đầu tiên của chi bộ Quảng Nham. Sự kiện xã Quảng Nham ra đời có ý nghĩa trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân trong xã. Từ đây chi bộ Quảng Nham đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân xã nhà cùng với nhân dân cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

          Trong thời kỳ 1954 - 1964, chi bộ xã Quảng Nham đã lãnh đạo nhân dân trong xã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, VH-XH (1955 - 1957); kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960) và thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Có thể nói trong 10 năm hòa bình (1954 - 1964), Đảng bộ Quảng Nham đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu đạt được những thành tích cơ bản trên mọi lĩnh vực. Đó là khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, hoàn thành cải cách ruộng đất, cải tạo xây dựng CNXH, giữ vững ANCT, TTATXH.

          Bước vào thời kỳ cả nước có chiến tranh (1965 - 1975), Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng chuyển hướng mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, đồng thời thực hiện tốt phòng không sơ tán, xây dựng hệ thống hầm hào vững chắc đảm bảo an toàn khi chiến sự xảy ra, tổ chức tốt lực lượng sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đập tan cuộc chiến tranh leo thang ra Miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ lần thứ nhất (1965 -1968) và lần thứ hai (năm 1972) cũng như chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Là một xã nằm ở vị trí xung yếu của tỉnh và Quân khu, có cửa Lạch và bãi biển dài hơn 5,2 km gần đường quốc lộ số I và bến phà Ghép, gần cao điểm Lau Chẹt, trong xã có xí nghiệp đóng tàu thuyền Tân Châu và cửa hàng thủy sản của Nhà nước, xã có đường giao thông thủy bộ thuận lợi. Do vậy, trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Quảng Nham trở thành mục tiêu đánh phá đêm ngày hết sức ác liệt bằng cả không quân và tàu chiến, trong đất liền, trên biển, cả quân sự và tâm lý tác chiến.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, máy bay, tàu chiến Mỹ đã đánh vào xã gần 100 trận lớn, nhỏ, trút hàng nghìn chục tấn bom, đạn các loại, làm chết 153 người, bị thương 150 người, sập và cháy hàng chục ngôi nhà, hư hỏng nhiều thuyền, bè, phương tiện sản xuất khác nhau của ngư dân. Vượt lên đau thương mất mát, Đảng bộ xã Quảng Nham đã lãnh đạo nhân dân kiên cường vượt qua '' Mưa bom, bão đạn '' của kẻ thù để giữ vững sản xuất. Với khẩu hiệu " Vững tay chèo, chắc tay súng", ngư dân vẫn kiên trì bám biển sản xuất, nâng cao sản lượng đánh bắt hàng năm đều hoàn thành và vượt mức nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Trên mặt trận chiến đấu, Đảng bộ đã chú trọng đến việc xây dựng lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngay từ ngày đầu xảy ra chiến tranh, xã đã xây dựng 3 trận địa bắn máy bay Mỹ do dân quân đảm nhiệm, trong đó có 1 trận địa của dân quân nữ, do nữ Đảng viên Nguyễn Thị Đoan chỉ huy. Năm 1967, huyện điều động hai đơn vị pháo 12 ly 7 và 14 ly 5 của dân quân Quảng Nham đến Phà Ghép phối hợp với đơn vị bộ đội, quân dân xã bạn bảo vệ Phà Ghép, đã hiệp đồng chiến đấu góp phần bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ, được chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Ba.

Cùng với nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nham đã tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam. Có nhiều đồng chí trong chiến đấu, công tác đã lập công xuất sắc, được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, diệt Ngụy, chiến sỹ thi đua, chiến sỹ quyết thắng, được thưởng huân chương chiến công, có đồng chí trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có đồng chí trở thành tướng lĩnh trong quân đội. Ngoài ra, Đảng bộ đã cử những cán bộ, đảng viên cùng với các đoàn viên thanh niên đi phục vụ tiền tuyến. Năm 1972, xã Quảng Nham có 15 người, với 3 chiếc thuyền tham gia đoàn vận chuyển 200 tấn lương thực theo tuyến kênh Than, kênh Son vào Quảng Bình, Quảng Trị để tiếp tế cho Miền Nam trong thời gian 3 tháng.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới, đảng bộ chính quyền, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Quảng Nham đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc. Đã có 713 người con của Quảng Nham tình nguyện lên đường ra mặt trận chiến đấu, trong đó có 136 người con ưu tú của quê hương đã hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của tổ quốc, 91 người là thương binh, bệnh binh. Nhà nước đã truy tặng danh hiệu một bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tổng kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ và nhân dân xã Quảng Nham đã được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Hồ chủ tịch tặng Bằng khen về thành tích " Xã có công tác phòng tránh tốt ", chính phủ tặng 2 Huân chương chiến công Hạng Ba cho quân dân toàn xã về thành tích " Chiến đấu, phục vụ chiến đấu giỏi, hoàn thành xuất sắc chi viện cho Miền nam ". Bộ quốc phòng tặng danh hiệu " Đơn vị quyết thắng" cho xã và hai trung đội dân quân HTX Trung Hải và HTX Tiền Phong 4 năm liền (1966 đến 1969), Chính phủ tặng 492 Huân chương và 269 Huy chương các loại cho cán bộ, quân nhân, dân quân du kích có mặt tại xã. Đồng chí Đinh Công Chấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 5 Huy chương Quân kỳ quyết thắng cho 5 sỹ quan có nhiều công lao xây dựng quân đội. Với những đóng góp to lớn đó, ngày 4/ 11/ 2004, cán bộ và nhân dân Quảng Nham được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu" Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 10 năm (1975-1985) khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ đã hoàn thành vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng bộ xã Quảng Nham đứng đầu là Ban chấp hành Đảng bộ đã giữ vững vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trăn trở tìm ra những bước đi phù hợp với điều kiện thực tế, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng vào hoàn cảnh của địa phương, chủ động khắc phục khó khăn, tạo ra phong trào sản xuất mới có hiệu quả thiết thực, mở rộng và củng cố tổ chức sản xuất trong các HTX nghề cá, HTX thủ công nghiệp, HTX nông nghiệp và dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Từ sau năm 1986 đến nay, vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI và XII, XIII của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, Ban chấp hành Đảng bộ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực thực hiện đường lối đổi mới Đảng. Trong bất kỳ khó khăn nào Đảng bộ luôn chú trọng lãnh đạo công tác tư tưởng chính trị, nâng cao nhận thức lý luận và quan điểm cách mạng đúng đắn cho cán bộ đảng viên, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, luôn cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được kiện toàn. Công tác kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên được tiến hành thường xuyên. Đảng bộ đã lãnh đạo việc cũng cố kiện toàn các tổ chức quần chúng, thực hiện định kỳ lấy ý kiến tham gia đóng góp của các tổ chức đoàn thể quần chúng, phê bình những yếu kém khuyết điểm trong hoạt động của các tổ chức Đảng cũng như tổ chức quần chúng.

Sau gần 40 năm (1986-2024) thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn vì mục tiêu " Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh " Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Nham đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực và đúng hướng, đã khai thác được mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương; tiểu thủ công nghiệp, thương mại được duy trì phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, đã làm cho bộ mặt của địa phương thay đổi toàn diện. Đặc biệt trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Nham không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, tạo được sự chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực về chính trị, kinh tế, VH-XH - QP-AN. Tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, nguồn nhân lực được khơi dậy và phát huy hiệu quả, kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng khá. đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang nhất là hệ thống đường giao thông, mương thoát nước, nhà văn hóa thôn, hội trường và khu làm việc của UBND, điện đường, công tác giáo dục, công tác y tế, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được nhân dân đồng tình và tích cực hưởng ứng.

Một trong những thành tựu nổi bật của xã đạt được về kinh tế-xã hội trong 10 năm trở lại đây là: giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 14,5%. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản hàng năm đạt trên 82.000 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/người/năm 2023. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt. Cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân được đầu tư xây dựng ngày một hoàn thiện, đồng bộ; từ hệ thống điện, nước sạch, giao thông, hệ thống mương thoát nước, trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế,v.v…đã và đang phát huy hiệu quả làm thay đổi bộ mặt nông thôn với “Diện mạo mới, sức sống mới”. Các công ty, doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày một nhiều, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

        Về văn hóa, giáo dục - đào tạo và y tế; đạt được những thành tích quan trọng. Đến năm 2024, cả 04 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Trường THCS;  Trường Tiểu học 1, Tiểu học 2  đạt chuẩn quốc gia mức độ I (lần 2); Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tích cực góp phần nâng cao dân trí cho Nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm chú trọng, CSVC được xây dựng khang trang, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao;  hoạt động phòng chống dịch bệnh, VSMT được duy trì thường xuyên có hiệu quả, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và an toàn thực phẩm.  Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đến năm 2023, cả 13/13 thôn; 03 đơn vị nhà trường được công nhận đạt danh hiệu đơn vị văn hóa cấp huyện. Phong trào TDTT phát triển rộng khắp. Chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; từ đối tượng BTXH đến các gia đình có công với nước, các gia đình TBLS. Kết quả đó đã nhân lên tình tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, làng xã.     

        QP-AN được Đảng bộ đặc biệt quan tâm, trong đó nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân; phát huy vai trò của lực lượng dân quân tự vệ, công an kết hợp với đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm giữ vững ANCT-TTATXH, tạo điều kiện thuận lợi để quê hương phát triển toàn diện.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm chú trọng. Tổ chức Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Công tác phê và tự phê bình, đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện nghiêm túc, dân chủ. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm đặc biệt; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường; góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.  Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền từ xã đến thôn, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Mối quan hệ giữa Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong xã gắn bó chặt chẽ. Các tổ chức CT-XH như: MTTQ, PN, Đoàn Thanh niên, ND, Cựu chiến binh vv…được kiện toàn, củng cố;  thu hút ngày càng đông đoàn viên, hội viên tham gia,  nhiều phong trào thi đua yêu nước, đạt thành tích xuất sắc được các cấp biểu dương khen thưởng. Nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trãi qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển (1954-2024). Từ ngày thành lập đến nay Đảng bộ xã Quảng Nham đã trải qua 22 nhiệm kỳ đại hội. Mỗi nhiệm kỳ đánh dấu sự phát triển không ngừng của Đảng bộ, từ một tổ Đảng (3/1948) trở thành Chi bộ với 26 đảng viên phát triển lên Đảng bộ (4/1964) với 64 đảng viên đến nay đã có 275 đảng viên sinh hoạt ở 20 chi bộ. Có 83 đồng chí nhận Huy hiệu Đảng, Trong đó 02 đồng chí nhận Huy hiệu 70 năm tuổi đảng,  01 đồng chí nhận Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, 18 đồng chí nhận Huy hiệu  55 năm tuổi Đảng, 17 đồng chí nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, 16 đồng chí nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, 18 đồng chí nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, 13 đồng chí nhận Huy hiệu 30 tuổi Đảng. Qua 22 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ Quảng Nham đã hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện các mục tiêu trong từng thời kỳ cách mạng, xứng đáng là nhân tố quyết định, là người tổ chức và thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Quốc phòng an ninh của xã nhà. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là niềm cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân xã nhà.

Năm tháng qua đi, nhưng truyền thống cách mạng, những chiến công của Đảng bộ, quân và dân xã nhà đã lập nên trong 2 cuộc kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, mãi mãi là niềm tự hào trong mỗi chúng ta. Trọng trách lịch sử đang đặt lên vai các thế hệ hôm nay và mai sau. Phía trước đang có nhiều thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân Đảng bộ xã Quảng Nham sẽ không ngừng phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp,  đưa Quảng Nham phát triển toàn diện.

Tin tưởng và tự hào về những trang sử vàng của 70 năm lịch sử Đảng bộ xã Quảng Nham, từ thắng lợi bước đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự đổi mới quê hương đất nước, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Quảng Nham hôm nay càng phải quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để xây dựng xã Quảng Nham phát triển xã Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành đô thị trong những năm tới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng.

                 Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

            Nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

image advertisement
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NHAM - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG -TỈNH THANH HÓA
Địa chỉ: Xã Quảng Nham - Huyện Quảng Xương - Tỉnh Thanh Hóa
Người phát ngôn: Ông Trần Văn Long - Chủ tịch UBND xã.
Bản quyền thuộc về: Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Tỉnh Thanh Hóa.